Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG DU LỊCH TẠI LA BẰNG

2021-07-20 07:55:00.0

La Bằng là một xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Huyện Đại Từ, cách trung tâm huyện khoảng 11 km. Xã có 9 xóm, tổng diện tích tự nhiên 2231,69 ha. Trong đó diện tích chè là: 331,29 ha, đất nông nghiệp là 158 ha, còn lại là đất rừng và đất khác. Xã có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, Đời sống nhân dân chủ yếu làm nghề trồng lúa và trồng chè và chăn nuôi quảng canh. Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc xã La Bằng luôn đoàn kết và có nhiều cố gắng phấn đấu thi đua thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội xây dựng xã La Bằng ngày càng phát triển.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế, nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ đang dần định hướng phát triển về du lịch, đưa du lịch trở thành một ngành mũi nhọn về phát triển kinh tế, nhờ vậy, cùng với nhiều địa điểm trong huyện Đại từ, xã La Bằng đã dần trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến Đại Từ để nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi đây.

       Với ưu thế về địa hình, địa thế của mình đó là La Bằng có một không gian sống trong lành, vị trí quang cảnh làng, bản đẹp, có những nương chè xanh ngát, có dòng suối nhỏ chảy uốn lượn dọc theo những thung lũng của rừng Quốc gia Tam Đảo, có những thác nước chảy từ độ cao vài chục mét, trên sườn núi là rừng cây nguyên sinh thuộc vườn Quốc gia Tam Đảo.Xã La Bằng có đầy đủ đặc điểm tự nhiên của vùng rừng núi trung du, nằm sát chân dãy núi Tam Đảo hùng vĩ và có điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú: Có đồi rừng, có suối nhỏ chảy quanh, có nương chè, có ruộng lúa, hoa màu, người dân có thể tự cung, tự cấp hoặc sản xuất hàng hóa để giao thương, buôn bán, có rừng tự nhiên với nhiều loại cây lâu năm khác nhau, đặc biệt là các loại dược liệu, cây cung cấp cả thực phẩm sạch như măng nứa, tre, giang, mật ong rừng... có những sản phẩm rất tự nhiên, đa dạng tạo sức hút, hấp dẫn từ nhiều du khách thập phương đến du lịch trải nghiệm. 

         Xã La Bằng hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, việc giao tiếp hàng ngày của bà con vẫn sử dụng bằng nhiều thứ tiếng dân tộc, các làn điệu hát Then đàn tính, làn điệu dân ca mượt mà của dân tộc Tày, Nùng, những nét văn hoá truyền thống còn được thể hiện rõ nét qua những bộ trang phục của đồng bào Dao, các phong tục tập quán của đồng bào Dao vẫn còn lưu truyền đến nay như nghi lễ Cấp Sắc của người Dao.

        Huyện Đại Từ nói chung, xã La Bằng nói riêng là mảnh đất an toàn xưa kia đã từng đùm bọc, che chở cho cán bộ và các cơ quan hoạt động cách mạng. Trên địa bàn xã La Bằng có quần thể di tích lịch sử văn hoá gồm 04  di tích lịch sử cấp Quốc gia và cấp tỉnh. La Bằng tự hào là nơi đầu tiên ghi nhận sự ra đời của Cơ sở Đảng Cộng Sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên với di tích “Nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Tỉnh Thái Nguyên năm 1936, xã La Bằng” được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1999 với 03 địa điểm, di tích trở thành niềm tự hào của nhân dân huyện Đại Từ nói chung và nhân dân xã La Bằng nói riêng, là “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó La Bằng còn là địa điểm Xưởng quân giới L1 chọn đóng quân và hoạt động trên địa bàn từ năm 1947 đến năm 1949 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Cục tình báo (29/8/1949); là nơi đảm bảo an toàn bí mật cho Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên hoạt động trong suốt khoảng thời gian mới thành lập đầy khó khăn.

      Ngoài ra xã La Bằng còn có địa điểm du lịch tâm linh đó là chùa Thanh La, chùa Thanh La tọa lạc tại một khu đồi có vị trí địa lý rất đẹp, đến đây du khách có thể mở tầm mắt ngắm toàn bộ cánh đồng La Bằng, hiện nay chùa Thanh La đang được trùng tu và phát triển và hứa hẹn sẽ là điểm đến của du lịch tâm linh đầy ấn tượng.

Khu du lịch suối Tiên Sa có diện tích khoảng trên 1.000 ha thuộc vườn Quốc gia Tam Đảo. Với đặc trưng là rừng nhiệt đới, cây cối quanh năm xanh non, tươi tốt.  Suối Tiên Sa có quần thể động thực vật phong phú, gồm rất nhiều loài cây và thú quý hiếm. Trong đó không thể không kể đến loài vật hiện nay đã được ghi tên vào sách đỏ Việt Nam hiện còn sinh sống không nhiều trên lãnh thổ nước ta đó là con cá cóc (hay còn gọi là con tắc kè nước hay sa giông bụng hoa) là một loài động vật lưỡng cư hiện còn sinh sống ở vùng rừng núi Tam Đảo trong đó có khu vực xóm Kẹm, xã La Bằng. Hệ thống thực vật ở đây cũng không kém phần phong phú, càng khám phá trong rừng sâu du khách sẽ bắt gặp nhiều loại thực vật rừng như cây thông, cây sấu, những cây dổi cổ thụ, cây nhội, chuối rừng... Đi xa hơn du khách có thể tận mắt ngắm những cây trò chỉ, cây gội...cổ thụ có tuổi thọ từ hàng trăm năm với chiều cao từ 50 đến 60 mét, có những cây có đường kính từ 2 đến 3 mét.

Tại đây có rất nhiều điểm tham quan lý thú như: Vực Kẹm, Vực Thẳm, Bàn Cờ Tiên, Chuôm, Hả Hai, Voi Rắt, Đá Hầm, Ba Luồng, Thác Trắng. Thác Trắng là thác có chiều cao khoảng gần 100m, vào mùa hè nước dội từ trên cao xuống trắng xóa, dưới chân thác cây cỏ như bị dạt theo một hướng bởi sức nước chảy tạo thành luồng gió rất mạnh. Đá Hầm là nơi du khách có thể đi dã ngoại và ngủ qua đêm trong những hầm đá nơi mà ngày xưa là nơi trú ngụ của sơn dương...

- Định hướng, giải pháp phát triển du lịch;

- Rà soát quy hoạch, lựa chọn những điểm để phát triển du lịch trên địa bàn, tích hợp và bổ sung vào Quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Tập trung quy hoạch các khu, điểm sinh thái có tiềm năng phát triển du lịch các khu sinh thái như: Suối Kẹm; Quy hoạch mở rộng khu di tích lịch sử Quốc gia nơi thành lập cơ sở đảng cộng sản đầu tiên của đảng bộ tỉnh Thái Nguyên năm 1936 tại xóm Lau Sau; di tích Cục tình báo tại xóm Đồng Tiến; di tích chòi Đầm Then tại xóm Đồng Đình, di tích xưởng quân giới xóm Tân Sơn... khảo sát, lập dự án phát triển du lịch cộng đồng vùng chè tại xã.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn

          Tiến hành quảng bá, xúc tiến thương mại phát triển du lịch cộng đồng, nhất là du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà. Chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, thăm quan trải nghiệm đồi chè, hái chè, chế biến chè...

          Xúc tiến – lựa chọn các sản phẩm làm quà tặng, tập trung vào các sản phẩm Trà, các sản OCOP …

Tập trung đầu tư xây dựng 3 loại hình du lịch chính là: “Du lịch Sinh thái - Nghỉ dưỡng; Du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh, về nguồn và Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà” tại Suối Kẹm. 

Đa dạng hóa các hình thức đào tạo để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch; chú trọng công tác đào tạo lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên, thuyết minh viên; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch; khuyến khích hình thành đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch.

 Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đến cộng đồng, đến các doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch.

 Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở lưu trú và tại khu du lịch sinh thái…

 Có bộ phận thu gom, xử lý rác thải tại các điểm du lịch, các điểm sinh thái.

Phối hợp chặt chẽ giữa phát triển du lịch với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du lịch phát triển.

Với những thuân lợi về địa hình, địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng mà thiên nhiên ban tặng cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã đặc biệt là nhận thức của người dân, sự tiếp cận nhanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch của nhân dân La Bằng, của thế hệ trẻ xã La Bằng thì đây sẽ là một điểm đến lý tưởng cho du khách đến nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm...

Bế Hoàng
Du lịch La Bằng

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 7797592