Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

La Bằng - Chuyển đổi số giúp người dân thụ hưởng nhiều tiện ích trong cuộc sống.

2023-04-06 16:47:00.0

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030. Xã La Bằng, huyện Đại Từ được Bộ thông tin truyền thông và tỉnh ủy Thái Nguyên chọn là 1 trong 2 đơn vị triển khai thí điểm thực hiện chuyển đổi số. Với sự quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số đã được triển khai một cách đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng, giúp người dân được thụ hưởng nhiều tiện ích trong cuộc sống.

La Bằng là xã miền núi nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm tỉnh 35 km, diện tích tự nhiên của xã là 2.236,01 ha, có 09 xóm với 4324 khẩu/1125 hộ, có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, xã La Bằng nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ để phát triển sản xuất, đặc biệt là phát triển cây chè; La Bằng có dòng suối Tiên Sa tại xóm Tân Sơn, là điểm thu hút nhiều lượt khách du lịch đến  thăm quan, trải nghiệm.

Với truyền thống quê hương cách mạng, Nhân dân các dân tộc xã La Bằng luôn phấn đấu thi đua, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, là một trong những xã dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước của huyện Đại Từ; là địa phương về đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên vào năm 2014, về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022 và phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Thông tin và truyền thông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên và Huyện ủy, UBND huyện Đại Từ, các cơ quan có liên quan và sự đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị sau một thời gian triển khai thí điểm thực hiện chuyển đổi số, xã đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhận thức của nhân dân về chuyển đổi số đã được nâng lên, sự tương tác, tham gia phối hợp của nhân dân vào chuyển đổi số đã từng bước được chuyển hóa giúp cho thông tin, phản ánh của nhân dân với cơ quan nhà nước được nhanh hơn.

          Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Người dân được tiếp cận và sử dụng dữ liệu số và công nghệ số, được cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn: Dữ liệu cấp mã định danh điện tử cho các trường hợp khai sinh cho trẻ em, sử dụng Căn cước công dân thay thế cho các loại giấy tờ khác, đồng bộ dữ liệu của công dân vào mã số căn cước công dân; sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thiểu chi phí thời gian cho người dân để thực hiện các thủ tục hành chính; hệ thống giám sát camera an ninh, phân tích dữ liệu giúp cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn được đảm bảo hơn. Với thời đại 4.0 như hiện nay, mọi thông tin thời sự người dân được cập nhật một cách nhanh nhất thông qua mạng xã hội, thông tin đại chúng, các trạm loa truyền thanh.

          Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2012 - 2025, xã La Bằng đã triển khai thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt theo kế hoạch đề ra để đảm bảo thuận tiện cho người dân: Cấp hơn 3100 căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho công dân, tạo tài khoản định danh điện tử mức độ 1 trên 300 trường hợp, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được trên 100 trường hợp, tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia cho công dân được trên 350 trường hợp; tạo tài khoản an sinh xã hội được 222 trường hợp.

Hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng C-ThaiNguyen

 

Bên cạnh đó kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có thông qua các kênh bán hàng, các sàn thương mại điện tử. Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Xã La Bằng là địa phương có thế mạnh về cây chè, địa phương đã triển khai phần mềm quản lý bán hàng. Hiện nay, sản phẩm trà của hợp tác xã chè La Bằng đã có gian hàng trên Shopee, Lazada, Sendo góp phần quảng bá sản phẩm, tăng doanh thu cho người dân. Sản phẩm trà La Bằng được triển khai tem truy xuất nguồn gốc nông sản. Sản phẩm trà và các sản phẩm khác của địa phương được trao đổi trên các sàn kinh doanh điện tử như Zalo, facebook… Triển khai thanh toán điện tử tại các nhà hàng, các địa điểm kinh doanh trên địa bàn xã, mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang là có thể trở thành một doanh nghiệp, là có thể tiếp cận cả thế giới. Người dân trong quá khứ vẫn thường mang chè ra chợ để bán cho các thương nhân, hiện nay với công nghệ số, kinh tế số vào cuộc thì người dân dân chỉ cần làm ra các sản phẩm của mình và ngồi tại nhà thông qua mạng xã hội, các nền tảng số có thể tiếp cận, kết nối được với các trường hợp có nhu cầu mua sản phẩm. Hệ thống bưu chính, chuyển phát sẽ giao hàng tới tận tay người mua thông qua việc triển khai gán mã địa chỉ bưu chính được trên 1.150 địa chỉ (trong đó có 20 là cơ quan nhà nước, địa danh, trường học, trạm xã, địa điểm công cộng ...) giúp cho địa phương La Bằng thu hút lượng khách du lịch đến với nơi đây.

          Cùng với đó, chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn. Học sinh ở vùng núi có thể được học ôn thi đại học trực tuyến với những thầy giáo giỏi nhất ở Hà Nội giống như học sinh cấp 3 ở Hà Nội qua nền tảng Viettel Study hay VnEdu. Một người dân có thể nhận được những ý kiến tư vấn, chăm sóc y tế từ xa bởi những bác sĩ giỏi nhất ở các bệnh viện lớn trên cả nước với các phần mềm hỗ trợ, tư vấn khám chữa bệnh từ xa với giá thành dịch vụ rẻ hơn gấp nhiều lần so với sử dụng dịch vụ tư vấn y tế tại nước sở tại.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, trong thời gian tới, xã La Bằng sẽ tập trung triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là: Tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức và Nhân dân về chương trình chuyển đổi số trên địa bàn xã;

Hai là: Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức để không ngừng nâng cao hiệu quả chương trình chuyển đổi số trêb địa bàn xã.

Bà là: Vận dụng linh hoạt, sáng tạo có hiệu quả các nền tảng có sẵn trong chuyển đổi số; có cơ chế thu hút các nhà đầu tư ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn xã;

Bốn là: Quan tâm bố trí nguồn ngân sách đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và các nền tảng số cho chương trình chuyển đổi số của xã./.

Hòa Bình
Chuyển đổi số

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 7798978