Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Châu Á trở thành điểm sáng tăng trưởng

2024-04-23 07:35:00.0

Ảnh minh họa.

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington (Mỹ), ông Srinivasan cho biết, tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ước tính đạt 5% trong năm 2023 - cao hơn nhiều so với mức 3,9% ghi nhận năm 2022 và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo của IMF hồi tháng 10/2023.

Ngoài ra, IMF dự báo tăng trưởng của khu vực này năm 2024 đạt 4,5%, theo đó châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng góp khoảng 60% tăng trưởng toàn cầu. Việc thúc đẩy tăng trưởng phụ thuộc vào mỗi quốc gia. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, IMF kỳ vọng đầu tư sẽ đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Ở các nước châu Á mới nổi ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính. Tại một số nền kinh tế tiên tiến như Hàn Quốc, IMF kỳ vọng động lực tích cực từ xuất khẩu.

Tăng trưởng ở khu vực châu Á được đánh giá đang phát triển mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp những yếu tố bất ổn từ môi trường bên ngoài. Việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế cũng như sự phục hồi liên tục trong xuất khẩu hàng hóa sau sự đi lên của chu kỳ sản xuất chất bán dẫn sẽ hỗ trợ tăng trưởng.

Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á trong năm nay dự báo sẽ cao hơn một chút so với dự báo đưa ra trước đó, do nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở nhiều nền kinh tế. Trung Quốc vẫn là "điểm sáng" trong bức tranh về triển vọng tăng trưởng của khu vực. ADB dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 4,5% đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 5,2% năm 2023. ADB cũng dự báo lạm phát khu vực sẽ giảm xuống 3,2% trong năm nay từ mức 3,3% năm 2023 và giảm thêm xuống 3% vào năm 2025.

Các nền kinh tế châu Á có thể tăng trưởng khả quan hơn khi năng suất được cải thiện và hiệu quả cao hơn. WB cho rằng, dù tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á chậm hơn so với thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, song vẫn nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. Sự phục hồi trong thương mại toàn cầu và việc nới lỏng điều kiện tài chính khi các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất sẽ giúp bù đắp cho tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc.

Trong khi đó, nền kinh tế khu vực này vẫn đối mặt những thách thức kéo dài như căng thẳng địa chính trị gia tăng, trong đó có xung đột ở Trung Đông, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ra lạm phát. Báo cáo của WB chỉ rõ, một số rủi ro ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế châu Á, trong đó phải kể đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED - Ngân hàng trung ương) và một số ngân hàng trung ương lớn khác có thể duy trì lãi suất cao hơn so với mức trước đại dịch, cũng như gần 3.000 rào cản thương mại như thuế quan hay trợ cấp cao hơn được ban hành trong năm 2023.

Đáng chú ý, phần lớn những biện pháp này là do Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ áp đặt. Nợ công, các rào cản thương mại và sự không chắc chắn về chính sách là những yếu tố khiến các nền kinh tế châu Á không đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan như mong đợi. Theo WB, dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á có thể chỉ đạt 4,5% trong năm 2024, thấp hơn so với mức 5,1% của năm 2023.

Trước các yếu tố được cho là sẽ làm suy yếu sự năng động kinh tế của khu vực, các chuyên gia khuyến nghị các chính phủ cần đưa ra nhiều biện pháp hơn nữa để giải quyết các vấn đề dài hạn, trong đó có mạng lưới an sinh xã hội yếu kém và thiếu hụt đầu tư vào giáo dục. Về vấn đề lạm phát, IMF khuyến nghị các ngân hàng trung ương châu Á tập trung vào việc đưa ra các giải pháp xử lý tình trạng lạm phát trong nước và tránh đưa ra các quyết định chính sách phụ thuộc quá mức vào các động thái dự đoán của FED.

Nếu các ngân hàng trung ương quá phụ thuộc vào các dự đoán của FED có thể làm suy yếu sự ổn định giá cả trong nước. Đối với thách thức về chính sách tiền tệ, tài khóa, IMF khuyến nghị các chính phủ nên tập trung vào việc củng cố để hạn chế sự gia tăng nợ công và xây dựng lại vùng đệm tài chính.

Với sức bật của nền kinh tế châu Á sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới tiếp tục chứng kiến những động lực tăng trưởng tích cực. Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực châu Á đang hoạt động tốt hơn so với phần lớn các khu vực còn lại trên thế giới, song vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình. Những dự báo khả quan về các nền kinh tế khu vực châu Á được đánh giá là động lực tăng trưởng cho kinh tế thế giới mặc dù vẫn còn những rủi ro, thách thức ở phía trước.

ANH THƯ
nhandan.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 7799009