Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Tìm lời giải bài toán quá tải trường lớp

2024-04-25 17:33:00.0

Một tiết thực hành tại phòng bộ môn Hóa học lớp 11 của cô trò Trường THPT Kim Ngọc, Vĩnh Phúc. Ảnh: Đình Tuệ

Đề xuất của Bộ GD&ĐT tại dự thảo sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học được nhiều ý kiến đồng tình và kỳ vọng giúp giải bài toán quá tải hiện nay.

Sửa đổi cần thiết

Với quy mô 2.000 học sinh/47 lớp, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) đồng tình với những sửa đổi, bổ sung Bộ GD&ĐT đề xuất tại dự thảo. Việc tăng số lớp từ 45 lên 50 đối với các trường THPT cần căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, số phòng học và giáo viên.

“Diện tích bình quân tối thiểu cho mỗi học sinh tại các đô thị được điều chỉnh theo hướng giảm xuống trong quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường THPT.

Dự thảo quy định tổng diện tích khu đất xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, học sinh với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh; đối với các đô thị loại III trở lên (theo công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền) cho phép bình quân tối thiểu 6m2 cho một học sinh. Trường chúng tôi rộng gần 12 nghìn m2, chia cho 2 nghìn học sinh là phù hợp với quy định về diện tích”, cô Huyền thông tin.

Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền cũng cho hay, nhà trường cũng đảm bảo số lượng phòng học bộ môn cho học sinh với đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy và học. Trong đó có phòng Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học...

Theo thầy Hồ Đức Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), dự thảo của Bộ GD&ĐT sẽ giải quyết được những vấn đề như giảm tải cho các thành phố lớn khi số lượng học sinh đông, sĩ số lớp học cũng sẽ giảm so với trước. Đây là điều tích cực.

Chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục, sĩ số học sinh/lớp giảm xuống sẽ là phép tính hữu hiệu cho bài toán nâng cao chất lượng. Chương trình GDPT 2018, từ chương trình đến phương pháp giảng dạy khác với ngày xưa (thầy giảng, trò chép). Hiện nay, học sinh làm trung tâm, giáo viên là người hỗ trợ và định hướng bài học. Bởi vậy, ngoài kiến thức sách giáo khoa, giáo viên phải tổ chức các hoạt động để trò thực hành kiến thức trong tiết học đó.

Thông tin từ cô Nguyễn Thị Hoàng Trang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương), đa số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Thuận An quá tải sĩ số học sinh. Do đó, dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định tăng số lớp so với quy định hiện hành là phù hợp và cần thiết.

Điều này sẽ làm giảm áp lực về sĩ số học sinh của nhà trường. Tuy nhiên, ở góc độ khác, khi tăng số lớp đồng thời kéo theo số học sinh mỗi trường tăng lên, trong khi diện tích của trường đã có sẵn, khó mở rộng, kèm theo đó là tình trạng thiếu giáo viên.

Học sinh Trường THPT Hương Khê (Hương Khê, Hà Tĩnh). Ảnh NTCC

Tăng quy mô lớp, cơ sở vật chất

Cũng nhìn nhận tích cực về việc điều chỉnh tăng quy mô tối đa trường THPT lên 50 lớp học thay vì 45 lớp như hiện tại, cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) cho rằng, điều này góp phần giảm tải sĩ số học sinh/lớp, nhất là ở các khu đô thị lớn, nơi có tốc độ tăng dân số cơ học cao.

Thực tế, nếu tăng số lớp thì công tác quản lý của nhà trường không có nhiều xáo trộn. Dù vậy, cô Phan Thị Hằng Hải lưu ý, nếu tăng quy mô lớp học sẽ kéo theo thách thức về thiếu giáo viên và cơ sở vật chất. Hiện, nhiều trường ở các địa phương chưa đảm bảo điều kiện về phòng học, trang thiết bị phục vụ Chương trình GDPT 2018.

Nếu dự thảo Thông tư mới được ban hành và có hiệu lực thi hành, các tỉnh/thành cần rà soát lại số lượng lớp học, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học thì việc tăng quy mô số lớp học ở trường THPT sẽ không bị áp lực.

Hơn nữa, để tăng quy mô số lớp, các trường cần được quy hoạch, xây dựng thành nhà cao tầng phù hợp với quy định hiện hành trong lĩnh vực xây dựng. Vậy với trường xây dựng cách đây nhiều năm thì kết cấu, độ chịu lực liệu có đảm bảo nếu chồng tầng lên hay không?

“Đến nay đã gần hết năm thứ 2 áp dụng Chương trình GDPT 2018 với cấp THPT, nhưng chưa có giáo viên dạy hai môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Do đó, nhà trường không thể đưa hai môn này vào thành môn lựa chọn cho học sinh.

Nội dung về Giáo dục địa phương hay Trải nghiệm hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm cũng phải kiêm nhiệm dạy vì không có nhân sự chuyên trách. Nhiều trường ở Vĩnh Phúc hiện chưa được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng học bộ môn. Bài toán về đội ngũ và cơ sở vật chất luôn là thách thức lớn với các nhà trường”, cô Hải trao đổi thêm.

Tương tự, cô Ngô Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) nhận định, tăng số lớp học sẽ giảm áp lực cho các thành phố lớn có dân số tăng cơ học cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời giảm được tình trạng mở trường nhỏ; trường học được nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất mới để giảng dạy.

Cô Giang cũng lưu ý, trước khi tăng lớp học phải có lộ trình tăng số lượng phòng học và thiết bị phục vụ cho dạy, học. Theo đó, các trường phải cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, có thời gian chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Ví dụ: Hiện, Trường THCS Ngọc Lâm chỉ đáp ứng đủ 28 lớp học cho 4 khối, nếu muốn tăng số lớp học thì phải đầu tư xây dựng phòng học, tuyển thêm giáo viên mới đáp ứng yêu cầu.

“Khi Thông tư được ban hành, có hiệu lực, việc tăng quy mô lớp với những trường vẫn dư diện tích so với sĩ số học sinh hiện tại sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, có những trường cần tăng số lớp nhưng diện tích không đủ thì cần mở rộng; khi đó nhà trường sẽ phải làm tờ trình gửi các cấp xem xét. Những trường xây dựng từ khi Thông tư có hiệu lực thi hành, tất nhiên sẽ áp dụng luôn theo quy định mới”. - Cô Nguyễn Thị Hoàng Trang


giaoducthoidai.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 7799058